Phục vụ nhà Tấn Giả_Sung

Năm 265, Tư Mã Chiêu qua đời, con là Tư Mã Viêm lên thay ngôi Tấn vương. Tư Mã Viêm ép vua Ngụy là Tào Hoán nhường ngôi, lập ra nhà Tấn. Giả Sung có công lớn giúp họ Tư Mã, trở thành trọng thần của triều đình, được phong làm Xa kỵ tướng quân, rồi thượng thư lệnh, Thị trung – nhà Tấn không đặt chức thừa tướng nên thực chất Giả Sung đóng vai trò thừa tướng trong triều.[4]

Sau đó ông được giao phụ trách về pháp luật. Việc thi hành pháp luật của Giả Sung được xem là khoan dung hơn nhà Tào Ngụy. Ông được tấn phong tước Lỗ công.

Giả Sung có việc tranh cãi trong triều với Nhiệm Khải (任愷) và Dữu Thuần (庾純). Năm 271, xảy ra cuộc nổi dậy của Thốc Phát Thụ Cơ Năng (禿髮樹機能), Nhiệm và Dữu muốn nhân đó đẩy ông ra khỏi triều đình, bèn đề nghị với Tấn Vũ Đế để ông đi đánh dẹp. Tấn Vũ Đế bèn phong ông làm Xa kỵ tướng quân Đô đốc binh các vùng Tần, Lương. Giả Sung không muốn ra trận nhưng không dám từ chối, phải chuẩn bị lên đường. Nghe theo kế của Tuân Úc, bèn bảo vợ đến thuyết phục hoàng hậu Dương Diễm cho con gái ông là Giả Nam Phong lấy thái tử Tư Mã Trung. Sau việc hôn nhân, Giả Sung càng thân với vua, không phải ra mặt trận.[4] Ông trả đũa và loại trừ Nhiệm Khải và Dữu Thuần ra khỏi triều đình.

Trong triều nhiều tướng bàn nên đánh Đông Ngô để thống nhất Trung Quốc, nhưng Giả Sung cùng Phùng Đảm và Tuân Úc cực lực phản đối nên việc đó bị trì hoãn mấy lần.[5]

Năm 279, Tấn Vũ Đế nghe theo ý kiến của Vương Tuấn, điều quân tấn công Đông Ngô. Giả Sung can ngăn, cho rằng Đông Ngô khó đánh được.[5] Tấn Vũ Đế không nghe theo, và lệnh cho ông chỉ huy 6 cánh quân đi nam tiến. Giả Sung mượn cớ thoái thác không ra trận. Đầu năm 280, chiến sự báo về tin thuận lợi, Giả Sung vẫn cho rằng nên ngừng chiến dịch đánh Ngô. Cuối cùng quân Tấn toàn thắng, diệt Ngô và bắt vua Tôn Hạo. Giả Sung thấy vậy vội vào Lạc Dương xin thỉnh tội, nhưng Tấn Vũ Đế bỏ qua, chỉ lựa lời an ủi ông.

Khi Tôn Hạo vào triều kiến Tấn Vũ Đế, Giả Sung muốn đánh vào chỗ yếu của bạo chúa nước Ngô bèn hỏi:

Nghe nói ông ở phương Nam có hình phạt móc mắt người ta, lột da đầu người ta, đó là hình phạt gì thế?

Tôn Hạo đáp không e dè khiến Giả Sung phải hổ thẹn:[6]

Bề tôi phạm tội giết vua thì phải dùng vào hình phạt ấy

Năm 282, Giả Sung lâm bệnh. Tấn Vũ Đế rất quan tâm tới bệnh tình của ông. Ít lâu sau Giả Sung qua đời, thọ 66 tuổi. Đại thần Tần Tú, người có trách nhiệm chọn thụy hiệu cho các quan đề nghị Tấn Vũ Đế đặt tên thụy cho ông là Hoang (荒) có nghĩa không tốt. Tấn Vũ Đế gạt đi và chọn chữ Vũ (武) đặt cho ông, tức là Lỗ Vũ công.

Tám năm sau (290), Tấn Vũ Đế mất, con rể ông là thái tử Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế, còn con gái Giả Nam Phong trở thành hoàng hậu nhà Tấn.